Thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất là bao lâu?

Thực tế hiện nay có nhiều gia đình có người mất và không để lại di chúc nhưng tại thời điểm đó thì không có ai yêu cầu chia di sản thừa kế, khi những người thừa phát sinh mâu thuẫn mới yêu cầu Tòa án nhân dân chia di sản. Có rất nhiều trường hợp khi các đồng thừa kế yêu cầu chia di sản thừa kế thì đã hết thời hiệu chia di sản thừa kế. Thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là bao lâu? Di sản thừa kế là động sản và bất động sản có khác nhau về thời hiệu hay không?

Theo quy định của Bộ luật dân sự thì thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là động sản và bất động sản khác nhau, mỗi thời kỳ sẽ thay đổi cho phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo quyền, lợi ích của người được hưởng di sản.

Tại Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015 thì thời hiệu thừa kế quy định: Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.

Thời hiệu để những người thừa kế di sản của người mất để lại yêu cầu chia đối với bất động sản thường là quyền sử dụng đất là 30 năm kể từ thời điểm mở thừa kế – là thời điểm xác định là người đó mất. Nếu hết thời hạn 30 năm mà vẫn không có ai yêu cầu chia di sản thừa kế thì di sản của người thừa kế sẽ thuộc về của người đang quản lý di sản đó trên thực tế.

Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015 cũng là một điểm mới, điều luật quy định để đảm bảo quyền và lợi ích của người được hưởng di sản thừa kế. Trong Bộ luật dân sự năm 2005 thì thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là 10 năm đối với bất động sản và động sản (Điều 645 Bộ luật dân sự năm 2005). Việc quy định tách biệt thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế đối với động sản và bất động sản riêng biệt là hợp lý, phù hợp với tình hình phát triển hiện nay cũng như phù hợp với đặc tính riêng của di sản thừa kế.

Trong thực tế xét xử có nhiều trường hợp di sản được yêu cầu chia trước khi Bộ luật dân sự năm 2015 có hiệu lực nhưng theo Bộ luật dân sự năm 2005 lại hết thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế, Tòa án có tuyên tạm giao cho người đang sử dụng tạm thời quản lý di sản thừa kế đó. Đối với trường hợp này sẽ được giải quyết ra sao? Để tránh không có quy định pháp luật điều chỉnh những trường hợp trên thì Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn giải quyết trong công văn 263/TANDTC-PC V/v: Xác định quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án tranh chấp về di sản thừa kế theo đó: Trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, Tòa án chỉ quyết định tạm giao cho người thừa kế quản lý di sản và không quyết định việc phân chia di sản vì lý do thời hiệu yêu cầu chia di sản đã hết. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, thời hiệu để yêu cầu chia di sản thừa kế đó vẫn còn thì phải xác định đây là trường hợp Tòa án chưa giải quyết việc phân chia di sản thừa kế. Do đó, Tòa án không áp dụng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và hướng dẫn tại khoản 3 Điều 7 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05-5-2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xác định người khởi kiện không có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án và trả lại đơn khởi kiện. Trường hợp này, người khởi kiện có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688, khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 và điểm d khoản 3 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Hotline Tư Vấn 24/7: 1900.966.993

Do vậy, khi có phát sinh thừa kế thì cần phải yêu cầu giải quyết trong thời hiệu mà luật định, tránh những trường hợp những người thừa kế yêu cầu chia di sản khi đã hết thời hiệu chia di sản thừa kế, những trường hợp đó rất khó giải quyết.

Trên Website luatdongduong.com.vn luôn cập nhật những thông tin pháp luật nổi bật và hữu ích cho các độc giả! Quý độc giả liên hệ hotline tư vấn 1900.966.993 để được tư vấn và hỗ trợ.

Chuyên viên

Nguyễn Thanh Hà