Tòa án chỉ giải quyết những vụ án thuộc thẩm quyền của mình, vậy nên người dân cần chủ động xem xét trước khi nộp đơn.

Để Tòa án thụ lý vụ án dân sự, đơn khởi kiện phải được gửi đến đúng Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật bao gồm: thẩm quyền theo loại việc, theo cấp và theo lãnh thổ.

1. Thẩm quyền theo loại việc

Khi tiếp nhận đơn khởi kiện, thẩm phán được phân công phải xem xét đơn khởi kiện có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 BLTTDS năm 2015 hay không. So với luật cũ thì BLTTDS 2015 đã bổ sung nhiều trường hợp tranh chấp về dân sự; hôn nhân gia đình; kinh doanh thương mại và lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhằm phù hợp và thống nhất với các luật nội dung như Luật Hôn nhân và gia đình 2014; Luật Doanh nghiệp 2014; Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012…

Bên cạnh đó, để phù hợp với nguyên tắc quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể được ghi nhận tại Điều 4 BLTTDS 2015, ở cuối mỗi điều luật về tranh chấp đều bổ sung cụm từ “trừ trường hợp thuộc thẩm quyển giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật”.

Điều này khẳng định rằng Tòa án không được từ chối thụ lý vì bất cứ lý do gì, ngay cả khi không có pháp luật áp dụng; chỉ trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác. Quy định như vậy nhằm đảm bảo tối đa quyền khởi kiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân; nhằm nâng cao trách nhiệm của Tòa án trong quá trình thụ lý vụ án dân sự.

2. Thẩm quyền theo cấp

Cần xác định vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện hay Tòa án cấp tỉnh theo Điều 35 và Điều 37 BLTTDS 2015 như sau:

“Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện

1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:

a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;

b) Tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 Điều 30 của Bộ luật này;

c) Tranh chấp về lao động quy định tại Điều 32 của Bộ luật này.

2. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết những yêu cầu sau đây:

a) Yêu cầu về dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 27 của Bộ luật này;

b) Yêu cầu về hôn nhân và gia đình quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 29 của Bộ luật này;

c) Yêu cầu về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 và khoản 6 Điều 31 của Bộ luật này;

d) Yêu cầu về lao động quy định tại khoản 1 và khoản 5 Điều 33 của Bộ luật này;

3. Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này;

Hotline Tư Vấn 24/7: 1900.966.993

4. Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định của Bộ luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.”

“Điều 37. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh

1. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc sau đây:

a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này, trừ những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 35 của Bộ luật này;

b) Yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 27, 29, 31 và 33 của Bộ luật này, trừ những yêu cầu thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 35 của Bộ luật này;

c) Tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 35 của Bộ luật này.

2. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại Điều 35 của Bộ luật này mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh tự mình lấy lên để giải quyết khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của Tòa án nhân dân cấp huyện.”

3. Thẩm quyền theo lãnh thổ

Tòa án cần căn cứ Điều 39 BLTTDS năm 2015 để xác định thẩm quyền theo lãnh thổ dựa vào nơi cư trú, làm việc hoặc có trụ sở của bị đơn; sự thỏa thuận của các bên và nơi có bất động sản. Đặc biệt, Tòa án cần xác định đối tượng tranh chấp có phải là về bất động sản không. Nếu tranh chấp có đối tượng là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản mới có thẩm quyền xét xử. Trừ trường hợp những tranh chấp mà có quan hệ tranh chấp bất động sản là quan hệ phụ.

Điều 40 BLTTDS 2015 còn quy định về thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn. Nguyên đơn có quyền lựa chọn khi đồng thời nhiều Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Tòa án phải yêu cầu nguyên đơn cam kết không khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án khác; nhằm đảm bảo tính đúng đắn trong trình tự, thủ tục giải quyết.

Trên đây là một số giải đáp về vấn đề mà bạn quan tâm.

Để biết thêm nhiều kiến thức pháp luật hữu ích vui lòng truy cập website: luatdongduong.com.vn. Hoặc liên hệ qua tổng đài 1900.966.993 để được tư vấn, hỗ trợ.

Trân trọng.