Quyền nhân thân là thuật ngữ pháp lý để chỉ những quyền dân sự gắn với bản thân mỗi con người và đời sống riêng tư của họ mà không thể chuyển giao cho người khác. Bên cạnh các quyền có họ, tên; thay đổi họ, tên; xác định, xác định lại dân tộc; được khai sinh, khai tử,…cá nhân có quyền xác định lại giới tính. Đây là quyền nhân thân quan trọng được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015, tại khoản 1 Điều 36: ‘Cá nhân có quyền xác định lại giới tính” và cụ thể hóa tại Nghị định số 88/2008/NĐ – CP về xác định lại giới tính.

Nguyên tắc xác định lại giới tính

Theo đó, xác định lại giới tính nhằm bảo đảm cho mỗi người được sống đúng theo giới tính của mình. Đối với việc xác định lại giới tính phải được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện, khách quan, trung thực, khoa học và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đã xác định lại giới tính. Giữ bí mật về các thông tin liên quan đến người được xác định lại giới tính, trừ trường hợp có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu cung cấp hồ sơ phục vụ cho việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố và xét xử liên quan đến việc xác định lại giới tính. Đây là những nguyên tắc được quy định tại Điều 3 Nghị định 88/2008/NĐ – CP, đảm bảo cho việc xác định lại giới tính được thực hiện đúng theo quy định pháp luật.

Điều kiện để cá nhân được xác định lại giới tính

Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính.

Pháp luật chỉ cho phép một người được xác định lại giới tính của mình khi giới tính của họ bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác. Để hướng dẫn quy định này, Nghị định số 88/2008/NĐ – CP  có giải thích rõ:

  • Khuyết tật bẩm sinh về giới tính là những bất thường ở bộ phận sinh dục của một người ngay từ khi mới sinh ra, biểu hiện ở một trong các dạng như nữ lưỡng giới giả nam, nam lưỡng giới giả nữ hoặc lưỡng giới thật.
  • Giới tính chưa được định hình chính xác là những trường hợp chưa thể phân biệt được một người là nam hay nữ xét về cả bộ phận sinh dục và nhiễm sắc thể giới tính.

Bên cạnh đó, pháp luật cũng nghiêm cấm những hành vi sau: thực hiện việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính; thực hiện việc xác định lại giới tính khi chưa được phép của Bộ Y tế hoặc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tiết lộ thông tin về việc xác định lại giới tính của người khác; phân biệt đối xử đối với người đã xác định lại giới tính.

                              Hotline Tư Vấn 24/7: 1900.966.993

Thủ tục thực hiện xác định lại giới tính

Bước 1: Đề nghị xác định lại giới tính

Người đề nghị xác định lại giới tính chuẩn bị hồ sơ và gửi hồ sơ đề nghị xác định lại giới tính đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép can thiệp y tế để xác định lại giới tính;

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải xem xét và trả lời bằng văn bản cho người đề nghị xác định lại giới tính trong thời gian 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn. Nếu không chấp nhận thì phải trả lời và nêu rõ lý do bằng văn bản.

Bước 2: Khám lâm sàng, cận lâm sàng và điều trị để xác định lại giới tính

Trên cơ sở hồ sơ đề nghị xác định lại giới tính, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức việc khám lâm sàng, cận lâm sàng để xác định lại giới tính:

Sau khi có kết quả khám lâm sàng và cận lâm sàng, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải tổ chức hội chẩn với sự tham gia của các cán bộ chuyên môn để có chỉ định phù hợp trong việc điều trị xác định lại giới tính.

Trên cơ sở đề nghị của người xác định lại giới tính, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẽ lựa chọn giới tính để có phương pháp điều trị thích hợp, bảo đảm nguyên tắc khi ở giới tính đó, người được xác định lại giới tính có thể hòa nhập cuộc sống về tâm, sinh lý và xã hội một cách tốt nhất;

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định tuổi của người đề nghị xác định lại giới tính để phẫu thuật, bảo đảm ở lứa tuổi sớm nhất và chỉ định việc phẫu thuật, điều trị nội tiết sau phẫu thuật.

Bước 3: Cấp giấy chứng nhận y tế

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã thực hiện việc can thiệp y tế xác định lại giới tính cấp giấy chứng nhận y tế sau khi đã xác định lại giới tính cho người đã được can thiệp y tế.

Bước 4: Đăng ký hộ tịch sau khi xác định lại giới tính

Khoản 3 Điều 26 BLDS năm 2015 quy định: “Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.”

Để cập nhật thêm kiến thức về pháp luật vui lòng truy cập vào trang luatdongduong.com.vn hoặc trao đổi trực tiếp với Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.966.993 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ.

Chuyên viên 

Nguyễn Thu Quỳnh