Hiện nay, trong thời đại công nghệ số hoá phát triển mạnh mẽ như vũ báo (gọi là cách mạng công nghiệp 4.0), việc chúng ta đưa các thông tin của mình lên mạng để sử dụng vào những mục đích khác nhau như facebook, zalo…đã trở nên khá quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Việc làm này nhằm giúp thuận tiện hơn trong việc sử dụng các dịch vụ xã hội, tuy nhiên mặt trái của nó là tồn tại những nguy cơ bị người khác lợi dụng, đánh cắp thông tin để sử dụng vào các hành vi vi phạm pháp luật như hack facebook, giả mạo bạn bè, người thân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chính vì thế, việc biết được các thông tin cá nhân của mình có được pháp luật bảo vệ hay không? Phạm vi thông tin cá nhân được bảo vệ như thế nào? Mức độ bảo vệ ra sao? Là vấn đề hết sức lưu ý và quy định rõ trong các văn bản pháp luật. Đây là những quy định của “Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình” được quy định trong các bộ luật của nước ta, cụ thể và rõ ràng nhất là Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015.

Bí mật cá nhân, bí mật gia đình là những thông tin, tư liệu về cá nhân, về gia đình được giữ kín bằng các biện pháp thông thường hoặc biện pháp kỹ thuật. Đời sống riêng tư tuy không phải là các bí mật nhưng cũng là các quyền nhân thân cần thiết được bảo vệ. Điều 38 BLDS 2015 đã nhấn mạnh về các quyền nhân thân này (đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình), yêu cầu sự tuyệt đối tôn trọng (bất khả xâm phạm) và được pháp luật bảo vệ. Khi có hành vi xâm phạm, cá nhân có quyền áp dụng các phương thức do pháp luật quy định để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định.

Điều 38. Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình

1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.

4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Hotline Tư Vấn 24/7: 1900.966.993

Các hành vi xâm phạm quyền và lợi ích công dân trong đó có quyền được bảo vệ về đời tư, tuỳ vào mức độ hành vi vi phạm đều bị pháp luật xử lý (về hành chính hoặc về hình sự). Theo đó, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định hai tội danh liên quan đến đến nhóm quyền này, đó là: Tội xâm phạm chỗ ở của người khác (Điều 158) và Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác (Điều 159).

Để cập nhật thêm những thông tin nổi bật và hữu ích, vui lòng truy cập website của chúng tôi tại Luatdongduong.com.vn hoặc Hotline Tư vấn: 1900.966.993

Chuyên viên,

Đỗ Trọng Đạt