Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, từng bước trưởng thành và khẳng định được vị thế của mình trên trường quốc tế. Một trong những bước kế hoạch phát triển của Nhà nước, chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đóng một vai trò cơ bản và quan trọng. Trước tiền đề đó, cùng với việc kế thừa kinh nghiệm lập pháp trong hoạt động bảo vệ người tiêu dùng, Việt Nam đã ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 cùng với các văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, hiệu quả thực thi pháp luật và thực tiễn nghiên cứu về pháp luật tiêu dùng, đặc biệt là các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và thương nhân phần nào có điểm hạn chế dẫn đến tình trạng các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vi phạm quyền lợi người tiêu dùng ngày càng gia tăng.

Trước hết, người tiêu dùng theo quy định tại khoản 1 điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 được hiểu là “người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ có mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức”. Thương nhân theo quy định tại điều 6 Luật Thương mại 2005 được hiểu là “tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh”.

Về nguyên nhân dẫn đến tranh chấp giữa thương nhân và người tiêu dùng

  • Đối với người tiêu dùng, như ta đã biết, trong cuộc sống để tồn tại thì con người nhất thiết phải trao đổi cũng như buôn bán các loại hàng hóa để đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của cuộc sống, chẳng hạn như mua gạo để ăn, quần áo để mặc, thuốc để chữa bệnh… đó là những sản phẩm không thể thiếu, con người phải sử dụng hàng ngày, nên nếu những sản phẩm đó trực tiếp hoặc gián tiếp gây ảnh hưởng tới sức khỏe, tài sản, tính mạng của họ thì đương nhiên người tiêu dùng sẽ có quyền lên tiếng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tranh chấp giữa người tiêu dùng với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa xảy ra là điều dễ hiểu.
  • Trên thực tế, một bộ phận không nhỏ những người sản xuất, kinh doanh chỉ vì lợi nhuận mà bất chấp vi phạm quy định của pháp luật xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Trong quá  trình sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân có nhiều hành vi dẫn đến tranh chấp, nhưng một trong những hành vi mà họ thương vi phạm đó là không thực hiện đúng trách nhiệm cung cấp đúng thông tin về hàng hóa, dịch vụ, không bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện, cung cấp hàng hóa không đảm bảo chất lượng, không thu hồi hàng hóa hỏng hay bồi thương thiệt hại do hàng hóa hỏng gây ra, … chính những hành vi ấy của cá nhân, tổ chức đã ảnh hưởng xấu tới quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng nên tranh chấp xảy ra là đúng đắn theo quy định của pháp luật.

Các phương thức giải quyết tranh chấp giữa thương nhân và người tiêu dùng

Thương lượng

Thương lượng vốn được xem là phương thức giải quyết tranh chấp thông qua bàn bạc, tự dàn xếp, tháo gỡ những bất đồng phát sinh để loại bỏ tranh chấp giữa các bên mà không cần có sự trợ giúp hay phán quyết của bất kì bên thứ ba nào. Bản chất của phương thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng được thể hiện thông qua các đặc trưng cơ bản sau:

  • Phương thức giải quyết tranh chấp này được thực hiện bởi cơ chế tự giải quyết thông qua việc các bên tranh chấp gặp nhau bàn bạc, thỏa thuận để tự giải quyết những bất đồng phát sinh mà không cần có sự hiện diện của bên thứ ba để trợ giúp hay phán quyết.
  • Quá trình thương lượng giữa các bên cũng không chịu sự ràng buộc của bất kì nguyên tắc pháp lý hay những quy định mang tính khuôn mẫu nào của pháp luật về thủ tục giải quyết tranh chấp. Pháp luật Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc ghi nhận thương lượng là một phương thức giải quyết tranh chấp mà không có bất kì quy định nào chi phối đến cơ chế giải quyết bằng thương lượng.
  • Việc thực thi kết quả thương lượng hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự nguyện của mỗi bên tranh chấp mà không có bất kì cơ chế pháp lí nào đảm bảo việc thực thi đối với thỏa thuận của các bên trong quá trình thương lượng. Điều này khiến cho hiệu lực ràng buộc của thỏa thuận đạt được sau thương lượng là không cao.

Hòa giải

Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp với sự tham gia của bên thứ ba làm trung gian hòa giải để hỗ trợ, thuyết phục các bên tranh chấp tìm kiếm các giải pháp nhằm loại trừ tranh chấp đã phát sinh. Bản chất của hòa giẩi được thể hiện qua các đặc trưng cơ bản sau:

  • Việc giải quyết tranh chấp giữa thương nhân và người tiêu dùng bằng hòa giải đã có sự hiện diện của bên thứ ba (do các bên tranh chấp lựa chọn) làm trung gian để trợ giúp các bên tìm kiếm giải pháp tối ưu để loại trừ tranh chấp. Điểm khác biệt giữa hòa giải và thương lượng là trong hòa giải có sự xuất hiện của bên thứ ba tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp còn thương lượng là sự tự giải quyết tranh chấp giữa các bên mà không có sự xuất hiện của người thứ ba.
  • Quá trình hòa giải các bên tranh chấp cũng không chịu sự chi phối bởi các quy định mang tính khuôn mẫu, bắt buộc của pháp luật về thủ tục hòa giải. Cũng giống như thương lượng, pháp luật hiện hành của nước ta không có quy định nào ràng buộc, chi phối đến cơ chế hòa giải ngoài các quy định có tính chất ghi nhận thương lượng, hòa giải là những phương thức giải quyết tranh chấp được các bên tranh chấp ưu tiên lựa chọn để giải quyết tranh chấp phát sinh.
  • Kết quả hòa giải thành được thực thi cũng hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí tự nguyện của các bên tranh chấp mà không có bất kì cơ chế nào bảo đảm thi hành những cam kết của các bên trong quá trình hòa giải.

Hotline Tư Vấn 24/7: 1900.966.993

Trọng tài thương mại

Trọng tài thương mại là hình thức giải quyết tranh chấp thông qua hoạt động của trọng tài viên, với tư cách là bên thứ ba độc lập nhằm chấm dứt xung đột trong quá trình tiến hành các hoạt động thương mại bằng việc đưa ra một phán quyết buộc các bên tranh chấp phải thực hiện. Bản chất của trọng tài được thể hiện ở những khía cạnh sau:

  • Trọng tài thương mại là một loại hình tổ chức phi Chính phủ, hoạt động theo luật trọng tài năm 2010 và quy chế trọng tài thương mại quốc tế. Nó có quyền phán quyết như tòa án và quyết định của trọng tài được cưỡng chế thi hành.
  •  Cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là sự kết hợp giữa hai yếu tố thỏa thuận và tài phán. Thỏa thuận làm tiền đề cho phán quyết và không thể có phán quyết thoát ly những yếu tố đã được thỏa thuận. Do đó, về nguyên tắc thẩm quyền của trọng tài không bị giới hạn bởi pháp luật, các đương sự có thể lựa chọn bất kì lúc nào, bất cứ trọng tài nào hoặc bất cứ trung tâm trọng tài nào trên thế giới.
  •  Phương thức trọng tài thương mại có sự hỗ trợ của tòa án. Sở dĩ cần sự hỗ trợ của tòa án bởi vì phán quyết của trọng tài không mang tính quyền lực nhà nước. Do đó, cần phải có một cơ quan nhà nước hỗ trợ, đó là tòa án.
  • Trọng tài tồn tại dưới hai hình thức cơ bản: trọng tài vụ việc (ad hoc) và trọng tài thường trực.

Tòa án

Tòa án là phương thức giải quyết tranh chấp tại cơ quan xét xử nhân danh quyền lực nhà nước, được tiến hành theo trình tự, thủ tục nghiêm ngặt, chặt chẽ và bản án hay quyết định của tòa án về vụ tranh chấp nếu không có sự tự nguyện tuân thủ sẽ được bảo đảm thi hành bằng sức mạnh cướng chế của nhà nước. Bản chất của phương thức giải quyết bằng tòa án đó là:

  • Tòa án là cơ quan tài phán nhân danh nhà nước để giải quyết tranh chấp, do đó, phán quyết của tòa án được đảm bảo thi hành bằng sức mạnh cưỡng chế.
  • Tòa án giải quyết tranh chấp theo nguyên tắc xét xử công khai.
  • Việc giải quyết tranh chấp tại tòa án có thể thực hiện qua hai cấp xét xử: sơ thẩm và phúc thẩm, bản án có hiệu lực pháp luật còn có thể được xét lại theo thủ tục: giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
  • Tòa án giải quyết theo nguyên tắc xét xử tập thể và quyết định theo đa số.

Để cập nhật thêm những thông tin nổi bật và hữu ích, vui lòng truy cập website của chúng tôi tại Luatdongduong.com.vn hoặc Hotline Tư vấn: 1900.966.993

Chuyên viên,

Đỗ Trọng Đạt