Bản chất của giao dịch dân sự là sự thỏa thuận, thống nhất ý chí của các bên, tuy nhiên không phải bao giờ các bên cũng tự nguyện thực hiện nghĩa vụ đã xác lập. Do đó, để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ, BLDS năm 2015 đã quy định 9 biện pháp bảo đảm bao gồm: cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký quỹ, ký cược, bảo lưu quyền sở hữu, tín chấp, bảo lãnh, cầm giữ tài sản. Trong đó bảo lưu quyền sở hữu và cầm giữ tài sản là hai biện pháp bảo đảm mới được bổ sung trong BLDS 2015.
Đăng ký biện pháp bảo đảm là việc cơ quan đăng ký ghi vào Sổ đăng ký hoặc nhập vào cơ sở dữ liệu về việc bên bảo đảm dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo đảm.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 102/2017/NĐ – CP về đăng ký biện pháp bảo đảm thì các biện pháp bảo đảm sau đây phải đăng ký, bao gồm:
- Thế chấp quyền sử dụng đất;
- Thế chấp tài sản gắn liền với đất trong trường hợp tài sản đó đã được chứng nhận quyền sở hữu trên GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
- Cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay;
- Thế chấp tàu biển.
Đối với những biện pháp bảo đảm sau đây sẽ được đăng ký khi có yêu cầu: Thế chấp tài sản là động sản khác; thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; bảo lưu quyền sở hữu trong trường hợp mua bán tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; mua bán tàu bay, tàu biển; mua bán tài sản là động sản khác có bảo lưu quyền sở hữu.
Thẩm quyền đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm
Điều 9 Nghị định số 102/2017/NĐ – CP quy định những cơ quan sau có thẩm quyền đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm:
Cục Hàng không Việt Nam trực thuộc Bộ GTVT thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tàu bay.
Hotline Tư Vấn 24/7: 1900.966.993
Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Chi cục hàng hải, Cảng vụ hàng hải theo phân cấp của Cục Hàng hải Việt Nam trực thuộc Bộ GTVT thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tàu biển.
Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai và Văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng động sản và các tài sản khác không thuộc thẩm quyền đăng ký của các cơ quan trên.
Trình tự, thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm
Bước 1: Người đăng ký chuẩn bị hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm. Hồ sơ được nộp theo một trong 4 phương thức sau:
- Qua hệ thống đăng ký trực tuyến
- Nộp trực tiếp
- Qua đường bưu điện
- Qua thư điện tử trong trường hợp người yêu cầu đăng ký đã được cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm.
Bước 2: Kiểm tra và tiếp nhận hồ sơ
Trong trường hợp hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm được nộp trực tiếp, sau khi nhận hồ sơ, người tiếp nhận kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký.
Trường hợp hồ sơ đăng ký hợp lệ, người tiếp nhận sẽ vào Sổ tiếp nhận, cấp cho người yêu cầu phiếu hẹn trả kết quả.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì phải hướng dẫn để người yêu cầu đăng ký trực tiếp hoàn thiện hồ sơ hoặc lập văn bản hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định pháp luật. Nếu việc nộp hồ sơ qua đường bưu điện hoặc qua thư điện tử, ngay trong ngày nhận hồ sơ, người tiếp nhận lập văn bản từ chối tiếp nhận và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ (gửi trả lại cùng hồ sơ đăng ký cho người yêu cầu).
Bước 3: Giải quyết hồ sơ đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm
Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm giải quyết hồ sơ đăng ký trong ngày nhận hồ sơ hợp lệ. Nếu nhận hồ sơ sau 15 giờ, thì hoàn thành việc đăng ký, cung cấp thông tin ngay trong ngày làm việc tiếp theo, trường hợp phải kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ thì cũng không quá 03 ngày làm việc.
Trường hợp nộp hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại UBND cấp xã hoặc nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, thì thời hạn giải quyết hồ sơ đăng ký được tính từ ngày Văn phòng đăng ký đất đai nhận hồ sơ do UBND cấp xã hoặc do Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa chuyển đến.
Bước 4: Trả kết quả
Kết quả đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm được cơ quan đăng ký trả cho người yêu cầu đăng ký theo một trong các phương thức sau:
- Trực tiếp tại cơ quan đăng ký/Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa/UBND cấp xã.
- Đường bưu điện
- Phương thức khác do cơ quan đăng ký và người yêu cầu đăng ký thỏa thuận.
Để cập nhật thêm kiến thức về pháp luật vui lòng truy cập vào website luatdongduong.com.vn hoặc trao đổi trực tiếp với Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.966.993 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ.