Tập quán là một loại quy phạm xã hội tồn tại song hành cùng nhiều loại quy phạm khác như pháp luật, đạo đức, tôn giáo…nhằm điều chỉnh hành vi ứng xử của con người trong xã hội. Với tư cách là một loại quy phạm xã hội, tập quán đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội nói chung và các quan hệ dân sự nói riêng.
Tập quán tồn tại trong thực tế cuộc sống phong phú, đa dạng tuy nhiên không phải bất cứ tập quán nào cũng được nhà nước thừa nhận với tư cách là nguồn của pháp luật để điều chỉnh các quan hệ dân sự.
Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015 quy định tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự.
Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự.
Như vậy để được thừa nhận áp dụng với tư cách là nguồn của pháp luật, tập quán phải bảo đảm những điều kiện nhất định và việc áp dụng cũng phải tuân theo những nguyên tắc nhằm đảm bảo tính pháp lý và tránh sự tùy tiện trong áp dụng. Cụ thể:
-
Hotline Tư Vấn 24/7: 1900.966.993
- Tập quán phải rõ ràng để xác định được quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ dân sự
- Tập quán phải là thói quen được hình thành, thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong đời sống xã hội
- Tập quán được áp dụng trong trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định
- Tập quán được áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự.
Trong BLDS tập quán được áp dụng trong nhiều quy định, như quyền xác định, xác định lại dân tộc:“Trường hợp không có thỏa thuận thì dân tộc của con được xác định theo tập quán; trường hợp tập quán khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo tập quán của dân tộc ít người hơn.”(Khoản 2 Điều 29 BLDS); xác định ranh giới giữa các bất động sản; xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc;…
Mặt khác, tại Văn bản 01/2017/GĐ – TANDTC về giải đáp vấn đề nghiệp vụ: Trường hợp Tòa án áp dụng tập quán để giải quyết tranh chấp dân sự mà có nhiều tập quán thì áp dụng tập quán do các bên thỏa thuận, nếu các đương sự viện dẫn các tập quán khác nhau thì tập quán có giá trị áp dụng là tập quán được thừa nhận tại nơi phát sinh vụ việc dân sự.
Để cập nhật thêm kiến thức về pháp luật vui lòng truy cập vào website luatdongduong.com.vn hoặc trao đổi trực tiếp với Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.966.993 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ.