Câu hỏi:

Em là nữ sinh viên đại học năm 2 có đi làm thêm buổi tối. Nhiều hôm về nhà trọ muộn nên muốn mua bình xịt hơi cay để phòng thân.

Hành động này của em có phạm tội không? Nếu có, thì em có thể thay thế bằng vật dụng gì để phòng thân?

Xin cảm ơn.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến I&J. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi đưa ra quan điểm tư vấn như sau:

  1. Mua bình xịt hơi cay có phạm tội không?

Theo điểm b, khoản 11 Điều 3, Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), bình xịt hơi cay được xác định là công cụ hỗ trợ.

Khoản 1 điều 5 của luật này cũng nghiêm cấm cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo.

Do đó, khoản 1 Điều 55 Luật này cũng có quy định về các đối tượng được sử dụng bình xịt hơi cay như sau:

  • Quân đội nhân dân;
  • Dân quân tự vệ;
  • Cảnh sát biển;
  • Công an nhân dân;
  • Cơ yếu;
  • Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
  • Cơ quan thi hành án dân sự;
  • Kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, Kiểm ngư, lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thủy sản;
  • Hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan;

Như vậy, việc mua bình xịt hơi cay để làm vũ khí phòng thân là vi phạm pháp luật. Nếu bạn cố tình vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ có thể xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hotline Tư Vấn 24/7: 1900.966.993

  1. Phòng vệ bằng vật dụng gì?

Trường hợp bạn bị người khác tấn công, bạn có quyền phòng vệ (Điều 22 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017).

Theo đó, phòng vệ chính đáng được hiểu đơn giản là:

“ Hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.”

Khi phòng vệ chính đáng, để chống trả một cách cần thiết đối với kẻ đang tấn công bạn thì bạn có quyền được sử dụng:

  • Vũ khí như gậy gộc, gạch, đá… nhặt được ở trên đường;
  • Những vật dụng khác mà bạn mang theo người.

Pháp luật không đòi hỏi bạn phải sử dụng vũ khí tương xứng với vũ khí của kẻ tấn công.

Điều này có nghĩa, nếu kẻ tấn công bằng tay không thì bạn vẫn có quyền dùng vũ khí để chống trả lại.

Tuy nhiên, nếu việc chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, bạn có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

  1. Căn cứ pháp lý:

  • Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 (sửa đổi, bổ sung năm 2019);
  • Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn đang quan tâm.

Để có thêm kiến thức pháp luật, vui lòng truy cập website luatdongduong.com.vn. Hoặc liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua tổng đài 1900.966.993 để được tư vấn, hỗ trợ.

Trân trọng.