Câu hỏi:

Chào luật sư.

Gần đây tôi có mua 1 triệu đồng tiền giả với giá 300 nghìn đồng. Vì sợ bị phát hiện nên tôi vẫn cất trong ví, không dám dùng. Tuy nhiên, em gái tôi không biết nên có lấy một tờ 500 để mua hàng.

Vậy nếu bị phát hiện thì em gái tôi có phạm tội không?

Cảm ơn luật sư.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến I&J. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin giải đáp như sau:

  1. Quy định của luật hình sự về tội lưu hành tiền giả:

Từ những thông tin bạn cung cấp thì em gái bạn đã có hành vi đưa tiền giả vào lưu thông.

Cụ thể, theo Điều 207 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì:

  • Bị phạt từ 03-07 năm nếu làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả.
  • Bị phạt từ 05-12 năm nếu tiền giả có trị giá từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng.
  • Bị phạt tù từ 10-20 năm hoặc tù chung thân nếu tiền giả có trị giá từ 50 triệu đồng trở lên.
  • Ngoài ra, còn có thể bị phạt từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc bị tịch thu một phần/toàn bộ tài sản.

Như vậy, trong trường hợp em gái bạn có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội này thì em bạn có thể bị phạt tù đến 07 năm.

  1. Em gái bạn có phạm tội lưu hành tiền giả không?

Việc em gái bạn có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không còn phụ thuộc vào yếu tố cấu thành tội phạm. Cụ thể gồm các yếu tố sau đây:

a) Về chủ thể:

Theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi không biết được độ tuổi cũng như tình trạng sức khỏe của em gái bạn.

Do đó, trong bài viết này, em gái bạn được coi là người đã thành niên và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

Vậy nên, em gái bạn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi hành vi vi phạm pháp luật hình sự của mình.

Hotline Tư Vấn 24/7: 1900.966.993

b) Về khách thể:

Hành vi này đã xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Bởi vì:

  • Có thể họ không thể sử dụng tờ tiền giả kia;
  • Hành vi này làm xâm phạm đến trật tự quản lý trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng;
  • Tiền giả có thể làm mất giá đồng tiền;
  • Ảnh hưởng đến quyền tối cao, riêng biệt của Nhà nước trong quản lý in ấn và phát hành tiền trên thị trường.

Vì vậy, hành vi của em gái bạn đã xâm phạm đến các quan hệ được pháp luật hình sự bảo vệ như thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm.

c) Về mặt khách quan:

Với những thông tin mà bạn đã cung cấp thì em gái bạn đã có hành vi sử dụng một tờ tiền giả mệnh giá 500 nghìn đồng để tiêu dùng.

Hành vi này được pháp luật hình sự coi là hành vi lưu hành tiền giả.

d) Về mặt chủ quan:

Hành vi của em gái bạn được xác định là hành vi lưu hành tiền giả.

Tuy nhiên theo những thông tin bạn cung cấp thì em gái bạn không có lỗi trong trường hợp này.

Bởi em gái không biết đó là tiền giả. Do đó, vấn đề mục đích và động cơ đối với hành vi của em gái bạn là không có.

Kết luận:

Như vậy, qua những phân tích ở trên có thể thấy:

  • Hành vi của em gái bạn không được coi là hành vi phạm tội;
  • Em gái bạn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự cũng như phải chịu bất cứ hình phạt nào về hành vi của mình.

Tuy em gái bạn không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng với hành vi mua, bán và cất giữ tiền giả là hành vi vi phạm pháp luật.

Vì vậy bạn nên giao nộp số tiền còn lại cho cơ quan công an để làm bằng chứng trong xử lý các đối tượng có hành vi làm, tàng trữ, mua bán tiền giả.

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi gửi đến bạn đọc.

Để biết thêm thông tin pháp luật, vui lòng truy cập website luatdongduong.com.vn. Hoặc liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua tổng đài 1900.966.993 để được tư vấn, hỗ trợ chính xác.

Trân trọng.