Kết hôn là việc nam, nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật hôn nhân gia đình về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào các bên nam nữ khi tiến hành đăng ký kết hôn cũng đều thỏa mãn các điều kiện kết hôn, do đó pháp luật có những quy định về kết hôn trái pháp luật và xử lý kết hôn trái pháp luật.

Thế nào là kết hôn trái pháp luật?

Kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật HNGĐ năm 2014.
Theo Điều 8 Luật HNGĐ thì nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự:

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp kết hôn giả tạo; tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ; kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

Xử lý việc kết hôn trái pháp luật

Người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật

Điều 10 Luật HNGĐ quy định những người sau đây có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật:

Đối với trường hợp hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Luật HNGĐ thì người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức quy định dưới đây yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.

                                Hotline Tư Vấn 24/7: 1900.966.993

Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật này:

a) Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ.

Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện việc kết hôn trái pháp luật thì có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều 10 Luật HNGĐ yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.

Xử lý việc kết hôn trái pháp luật

Xử lý việc kết hôn trái pháp luật được Tòa án thực hiện theo quy định tại Luật HNGĐ và pháp luật về tố tụng dân sự.

Trong trường hợp tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật HNGĐ và hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân đó. Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm các bên đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này.

Quyết định của Tòa án về việc hủy kết hôn trái pháp luật hoặc công nhận quan hệ hôn nhân phải được gửi cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch; hai bên kết hôn trái pháp luật; cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Hậu quả pháp lý

Về quan hệ vợ chồng, khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy thì hai bên kết hôn phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng.

Về quan hệ cha, mẹ, con, quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn.

Về quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết như trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn:

  • Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
  • Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.

Để cập nhật thêm kiến thức về pháp luật vui lòng truy cập vào website luatdongduong.com.vn hoặc trao đổi trực tiếp với Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.966.993 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ.

Chuyên viên 

Nguyễn Thu Quỳnh