Câu hỏi:

Chào Luật sư! Tôi có câu hỏi cần được tư vấn như sau:

Một người có được làm con nuôi của nhiều người hay không? Hồ sơ đăng ký nhận nuôi con nuôi gồm những gì?

Cảm ơn Luật sư.

Trả lời:

Trước hết cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH I&J.

Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin trả lời như sau:

  1. Một người có được làm con nuôi của nhiều người không?

Theo quy định tại Điều 8 Luật Nuôi con nuôi 2010 thì:

Để được nhận làm con nuôi thì phải là trẻ em dưới 16 tuổi.

Nếu là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì bắt buộc phải thuộc một trong hai trường hợp:

  • Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;
  • Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.

Tại khoản 3 Điều 8 Luật Nuôi con nuôi 2010 cũng đã nêu rõ:

“Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng”.

Việc nhận con nuôi nhằm bảo đảm quyền, lợi ích tốt nhất cho người con nuôi.

Nhưng để có đủ điều kiện nhận con nuôi, cha mẹ nuôi phải đáp ứng điều kiện cụ thể tại Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010 như sau:

  • Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
  • Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;
  • Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi được tốt nhất;
  • Có tư cách đạo đức tốt.

Như vậy, để được nhận con nuôi thì người có nhu cầu nhận nuôi phải đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên.

Do đó, việc quy định một người không được làm con nuôi của nhiều người là hoàn toàn phù hợp.

Hotline Tư Vấn 24/7: 1900.966.993

  1. Cơ quan nào thực hiện đăng ký nhận nuôi con nuôi?

Theo Điều 9 Luật Nuôi con nuôi 2010 có quy định về cơ quan thực hiện việc đăng ký nhận nuôi con nuôi bao gồm:

  • Trường hợp nhận nuôi trong nước: UBND xã nơi thường trú của người được nhận làm con nuôi hoặc của người nhận con nuôi;
  • Trường hợp nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài: UBND, Sở Tư pháp cấp tỉnh nơi thường trú của con nuôi;
  • Trường hợp công dân Việt Nam tạm trú ở nước ngoài nhận con nuôi: Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc biệt, nơi thực hiện việc đăng ký nuôi con nuôi được hướng dẫn cụ thể tại Điều 2 Nghị định 19/2011/NĐ-CP như sau:

  • Trẻ bị bỏ rơi chưa chuyển vào cơ sở nuôi dưỡng: UBND cấp xã nơi lập biên bản xác nhận tình trạng trẻ bị bỏ rơi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi;
  • Trẻ ở cơ sở nuôi dưỡng được nhận nuôi: UBND cấp xã nơi có trụ sở của cơ sở nuôi dưỡng thực hiện việc đăng ký nuôi con nuôi…
  1. Các loại giấy tờ cần thiết để đăng ký nhận nuôi con nuôi

Thứ nhất: Giấy tờ của cha mẹ nuôi:

Hồ sơ để đăng ký nhận nuôi con nuôi bao gồm:

  • Đơn xin nhận con nuôi;
  • Hộ chiếu, Chứng minh nhân dân (bản sao);
  • Phiếu lý lịch tư pháp;
  • Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;
  • Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;
  • Văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do UBND cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp.

Đối với trường hợp nhận nuôi có yếu tố nước ngoài thì cần thêm Văn bản cho phép được nhận con nuôi ở Việt Nam; Bản điều tra về tâm lý, gia đình…

Thứ hai: Giấy tờ của người được nhận nuôi:

  • Giấy khai sinh;
  • Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;
  • Hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 06 tháng;
  • Các giấy tờ khác (nếu có): biên bản xác nhận do UBND hoặc công an cấp xã nơi phát hiện trẻ lập trẻ bị bỏ rơi; Quyết định tiếp nhận trẻ ở cơ sở nuôi dưỡng; …
  1. Căn cứ pháp lý:

  • Luật Nuôi con nuôi 2010;
  • Nghị định 19/2011/NĐ-CP.

Trên đây là bài viết tư vấn của chúng tôi gửi đến bạn. Để biết thêm thông tin pháp luật vui lòng truy cập website luatdongduong.com.vn. Hoặc trao đổi trực tiếp thông qua tổng đài số: 1900.966.993 để được sự tư vấn, hỗ trợ.