Đương sự có bắt buộc có mặt khi xét xử hay không?
Khi tham gia các phiên tòa xét xử vụ án dân sự thì đã thấy nhiều lần Tòa án hoãn phiên Tòa do một trong các bên đương sự không có mặt. Việc hoãn phiên tòa làm thay đổi thời gian xét xử ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các đương sự khác. Tránh việc lạm dụng việc vắng mặt tại phiên xét xử thì đương sự bắt buộc phải có mặt khi đã được triệu tập đúng quy định pháp luật. Khi đương sự có tình vắng mặt để trốn tránh nghĩa vụ thì Tòa án sẽ giải quyết theo quy định pháp luật. Quy định tại Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015: Sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự
- Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
Tòa án phải thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về việc hoãn phiên tòa.
- Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:
a) Nguyên đơn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật;
b) Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;
c) Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật;
d) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu độc lập của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu độc lập đó theo quy định của pháp luật;
đ) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ.
Theo như quy định trên thì trước khi xét xử Tòa án sẽ có giấy triệu tập gửi đến các đương sự trong vụ án. Khi được triệu tập lần 01 hợp lệ nếu không có giấy đề nghị xét xử vắng mặt thì Tòa án sẽ hoãn phiên tòa giải quyết vụ án và gửi giấy triệu tập các đương sự lần 02.
Hotline Tư Vấn 24/7: 10.99066.993
Khi triệu tập lần 02 hợp lệ mà các đương sự vắng mặt thì Tòa án sẽ giải quyết như sau:
– Nguyên đơn và người đại diện hợp pháp của nguyên đơn vắng mặt và không có giấy đề nghị xét xử vắng mặt thì Tòa án sẽ ra Quyết định đình chỉ vụ án và gửi Quyết định đình chỉ cho các đương sự.
– Bị đơn vắng mặt không có lý do chính đáng, không có yêu cầu độc lập thì Tòa án xét xử vắng mặt họ.
– Trường hợp Bị đơn có đơn phản tố và không có đơn xét xử vắng mặt thì Tòa án ra quyết định đình chỉ với phần đơn yêu cầu phản tố đó.
– Trường hợp, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vắng mặt và không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu độc lập của người đó.
Các yêu cầu giải quyết của vụ việc dân sự mà các đương sự vắng mặt và Tòa án ra quyết định đình chỉ với các yêu cầu đó thì các đương sự có quyền nộp lại yêu cầu khởi kiện và Tòa án sẽ thụ lý giải quyết khi có đủ điều kiện thụ lý.
Để đảm bảo vụ việc được giải quyết khách quan cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì các đương sự cần phải có mặt khi Tòa án có giấy triệu tập tham gia xét xử trừ trường hợp bất khả kháng không thể tham dự.
Trên Website luatdongduong.com.vn luôn cập nhật những thông tin pháp luật nổi bật và hữu ích cho các độc giả! Quý độc giả liên hệ hotline tư vấn 1900.966.993 để được tư vấn và hỗ trợ.
Chuyên viên
Nguyễn Thanh Hà