Đồng phạm không phải là khái niệm gì đó xa lạ hay mới mẻ nữa. Những văn bản pháp luật hình sự đầu tiên, cụ thể là Bộ luật hình sự năm 1985, đã đưa ra khái niệm về đồng phạm. Đến Bộ luật hình sự năm 2015 – bộ luật hình sự hiện đang có hiệu lực thi hành – khái niệm đồng phạm được quy định cụ thể, chi tiết hơn để phù hợp với thực tiễn xã hội ngày nay, trên cơ sở kế thừa và phát huy tinh thần của các bộ luật hình sự trước đó.

1. Đồng phạm quy định tại Điều 17 Bộ luật hình sự năm 2015

Đồng phạm là một khái niệm pháp lý nói lên quy mô tội phạm, được thể hiện trong một vụ án có nhiều người tham gia. Tuy nhiên, không phải cứ có nhiều người tham gia là đồng phạm, mà nhiều người tham gia đó phải cố ý cùng thực hiện một tội phạm, nếu có nhiều người phạm tội nhưng không cùng thực hiện một tội phạm thì không gọi là đồng phạm. Giữa những người phạm tội đó có sự bàn bạc, thống nhất trước khi thực hiện tội phạm hoặc có sự tiếp nhận về mặt ý chí giữa những người phạm tội.
Chế định đồng phạm quy định trong Bộ luật hình sự có hai loại mà theo khoa học luật hình sự gọi là đồng phạm giản đơn và đồng phạm phức tạp (phạm tội có tổ chức).
Đồng phạm giản đơn là trường hợp tất cả những người cùng thực hiện một tội phạm đều là người thực hành.
Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm (khoản 2 Điều 17 Bộ luật hình sự) là trường hợp nhiều người cố ý cùng bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện một tội phạm, dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu và là một hình thức đồng phạm, có sự phân công, sắp đặt vai trò của những người tham gia. Trong đó mỗi người thực hiện một hoặc một số hành vi và phải chịu sự điều khiển của người cầm đầu.
Khoản 3 Điều 17 BLHS năm 2015 xác định người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
Căn cứ để xác định vụ án đồng phạm:
Thứ nhất: căn cứ khách quan gồm căn cứ vào số lượng người tham gia trong vụ án, căn cứ vào tính liên kết về hành vi cùng thực hiện một tội phạm, căn cứ vào hậu quả do vụ án đồng phạm gây ra.
– Căn cứ và số lượng người trong vụ án: Điều 17 BLHS năm 2015 quy định trong vụ án đồng phạm phải có từ hai người trở lên, những người này đều phải có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.
– Căn cứ vào tính liên kết về hành vi: Những người trong vụ án đồng phạm phải cùng nhau thực hiện một tội phạm. Hành vi của người đồng phạm này liên kết chặt chẽ với hành vi của người đồng phạm kia. Hành vi của những người đồng phạm phải hướng về một tội phạm, phải tạo điều kiện, hỗ trợ cho nhau để thực hiện một tội phạm thuận lợi, nói cách khác hành vi của đồng phạm này là tiền đề cho hành vi của đồng phạm kia. Hành vi của tất cả những người trong vụ án đồng phạm đều là nguyên nhân dẫn đến hậu quả tác hại chung của tội phạm.
– Căn cứ vào hậu quả tác hại: Hậu quả tác hại do tội phạm gây ra trong vụ án đồng phạm là hậu quả chung do toàn bộ những người đồng phạm gây ra. Hành vi của mỗi người trong vụ án đều là nguyên nhân gây ra hậu quả chung ấy, mặc dù có người trực tiếp, người gián tiếp gây ra hậu quả tác hại. Đây là đặc điểm về quan hệ nhân quả trong vụ án đồng phạm.
Thứ hai: Căn cứ chủ quan. Tất cả những người trong vụ án đồng phạm phải có hình thức lỗi cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Tất cả họ đều thấy rõ hành vi của toàn bộ những người trong vụ án đều nguy hiểm cho xã hội. Mỗi người đồng phạm đều thấy trước hành vi của mình và hành vi của người đồng phạm khác trong vụ án đồng phạm là nguy hiểm, thấy trước hành vi của tất cả những người đồng phạm đều là nguyên nhân dẫn đến hậu quả tác hại. Vụ án có yếu tố đồng phạm khác vụ án thông thường do một người thực hiện ở những điểm sau đây:
– Vụ án có yếu tố đồng phạm có hai người trở lên, còn vụ án khác chỉ có một người thực hiện.
– Thông thường vụ án đồng phạm có tính chất, mức độ ngy hiểm hơn vụ án do một người thực hiện.
– Vụ án đồng phạm có hình thức lỗi cố ý, còn vụ án do một người thực hiện có thể cố ý hoặc vô ý.
– Hành vi của những người trong vụ án đồng phạm có sự liên kết chặt chẽ để cùng thực hiện một tội phạm, còn hành vi của người phạm tội đơn lẻ không liên kết với ai.
– Hậu quả tác hại trong vụ án đồng phạm là hậu quả chung do toàn bộ những người đồng phạm gây ra, hậu quả tác hại trong vụ án do một người thực hiện là hậu quả riêng do chính hành vi của người đó gây ra.

Về cơ bản đồng phạm được quy định tại Điều 17 BLHS năm 2015 không khác nhiều so với quy định tại BLHS năm 1999. Tuy nhiên quy định đồng phạm của BLHS năm 2015 đã có thêm một điểm mới. Đó là quy định tại khoản 4 Điều 17 BLHS 2015: “4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.”

Hotline Tư Vấn 24/7: 0886389789

2. Đồng phạm theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015

Khoản 1 Điều 17 BLHS năm 2015 có quy định: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. Theo quy định này, để thoả mãn vấn đề đồng phạm cần có những điều kiện sau đây:

Một là, phải từ hai người trở lên, những người này phải có đủ dấu hiệu về chủ thể của tội phạm. Đây là điều kiện về năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Hai là, cùng cố ý thực hiện một tội phạm, tức là mỗi người trong đồng phạm đều có hành vi tham gia vào thực hiện tội phạm, hành vi của mỗi người được thực hiện không biệt lập nhau mà trong sự liên kết với nhau, hành vi của người này hỗ trợ, bổ sung cho hành vi của người khác và ngược lại, hành vi phạm tội của mỗi người đều nằm trong hoạt động phạm tội của cả nhóm, với mục đích chung là đạt được kết quả thực hiện tội phạm. Vì vậy, sẽ không được coi là đồng phạm khi một số người đã cùng thực hiện một tội phạm và cùng một thời gian, nhưng giữa những người này không có sự bàn bạc, liên hệ, ràng buộc, hỗ trợ nhau mà hành vi của từng người đều thực hiện độc lập.

Việc cùng thực hiện tội phạm có thể là trực tiếp thực hiện hành vi (người thực hành); thực hiện hành vi chủ mưu, chỉ huy, cầm đầu việc thực hiện tội phạm (người tổ chức); người thực hiện hành vi kích động, dụ dỗ, xúi giục người khác thực hiện tội phạm (người xúi giục); tạo điều kiện tinh thần hay vật chất cho người khác thực hiện tội phạm (người giúp sức). Nếu không có một trong những hành vi nêu trên thì không được coi là người cùng thực hiện tội phạm và do vậy không phải là đồng phạm.

Khi thực hiện tội phạm, mỗi người đồng phạm không chỉ cố ý với hành vi phạm tội của mình mà còn biết và mong muốn sự tham gia của những người đồng phạm khác. Cùng cố ý trong đồng phạm được thể hiện trên hai phương diện về lý trí và ý chí. Về lý trí: Mỗi người đồng phạm đều nhận thức được tính chất nguy hiểm hành vi của mình và những người đồng phạm khác, thấy trước được hậu quả chung của hành vi phạm tội đó. Về ý chí: Những người đồng phạm khi thực hiện hành vi đều mong muốn cùng thực hiện tội phạm và mong muốn hậu quả xảy ra.

Từ quy định pháp luật nêu trên, trong quá trình áp dụng pháp luật, có hai luồng ý kiến khác nhau:

Nhóm ý kiến thứ nhất cho rằng: Hai hay nhiều người cùng bàn bạc thống nhất, cùng thực hiện hành vi phạm tội nhưng tội phạm mà những người này thực hiện phải cùng một tội danh mới là đồng phạm. Nếu mỗi đối tượng bị quy kết về những tội danh khác nhau thì vấn đề đồng phạm tự nó bị triệt tiêu.

Nhóm ý kiến thứ nhất cho rằng: Khi đánh T, K chỉ dùng tay không đánh, còn Đ đã dùng gậy đánh; hơn nữa lý do K đánh T là do T đã có những hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến K và sự tấn công này của K được xác định là trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. K phạm tội Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần kích động mạnh theo Điều 106 BLHS, còn Đ thì phạm tội Cố ý gây thương tích theo Điều 104 BLHS. Do đó theo quy định tại Điều 20 BLHS thì Đ và K không đồng phạm vì không bị xử lý cùng một tội danh, nếu không đồng phạm thì phải tách thương tích và xử lý từng đối tượng trên cơ sở hậu quả gây ra của mỗi người theo nguyên tắc cá thể hoá trách nhiệm hình sự.

Nhóm ý kiến thứ hai cho rằng: Đồng phạm được hiểu là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm và trước hết phải thoả mãn điều kiện về chủ thể (độ tuổi và năng lực trách nhiệm hình sự), hành vi cố ý là cố ý với hành vi phạm tội và cùng mong muốn hậu quả xảy ra, không cần phải cùng một tội danh. Thậm chí nếu hành vi phạm tội của các đối tượng trên thoả mãn những quy định của pháp luật về phạm tội có tổ chức thì vẫn phải viện dẫn và xử lý.

Theo nhóm ý kiến thứ hai: Mặc dù hai đối tượng K và Đ trước đó không có sự bàn bạc với nhau về việc đánh T, nhưng khi Đ lao vào hỗ trợ, thì K đã gật đầu đồng ý, tức là giữa chúng đã tiếp nhận ý chí, mục đích của nhau để cùng thực hiện hành vi đánh T, do đó Đ và K phải là đồng phạm. Quá trình đánh T, K dùng tay không đánh còn Đ dùng gậy đánh, nhưng K biết Đ khi vào đánh T có dùng gậy và đã chấp nhận việc Đ giúp sức cho mình, nên cả hai đối tượng đều phải chịu tình tiết là “dùng hung khí nguy hiểm”. Giữa hai đối tượng có dấu hiệu của đồng phạm nên không thể tách thương tích của người bị hại để xử lý riêng từng đối tượng được, mà cả hai đều phải chịu chung hậu quả do chúng cùng gây ra đối với T là 32%. Khi cá thể hoá trách nhiệm hình sự, K có yếu tố phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của T gây ra, thì K được hưởng tình tiết này, Đ không có nên không được hưởng. Mỗi đối tượng tuy bị xử lý ở những điều luật khác nhau, nhưng phải xác định là có đồng phạm mới chính xác.

==> Để làm rõ hơn vấn đề này, Án lệ số 01/2016/AL được Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 06/04/2016 có quy định khá cụ thể. Với nội dung như sau:

Trong vụ án có đồng phạm, nếu chứng minh được ý thức chủ quan của người chủ mưu là chỉ thuê người khác gây thương tích cho người bị hại mà không có ý định tước đoạt tính mạng của họ (người chủ mưu chỉ yêu cầu gây thương tích ở chân, tay của người bị hại mà không yêu cầu tấn công vào các phần trọng yếu của cơ thể có khả năng dẫn đến chết người); người thực hành cũng đã thực hiện theo đúng yêu cầu của người chủ mưu; việc nạn nhân bị chết nằm ngoài ý thức chủ quan của người chủ mưu thì người chủ mưu phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” với tình Tiết định khung là “gây thương tích dẫn đến chết người”.

Như vậy, có thể thấy không phải cứ là đồng phạm thì phải chịu trách nhiệm hình sự về cùng một tội danh