Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là vấn đề cần chú trọng khi tham gia giao dịch dân sự, đó là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Đối với người chưa thành niên tùy vào độ tuổi có thể không có năng lực hành vi dân sự hoặc có năng lực hành vi dân sự một phần.
Theo quy định tại Điều 21 BLDS 2015 thì người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.
Đối với giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện. Theo Điều 136 BLDS thì cha, mẹ là người đại diện theo pháp luật đối với con chưa thành niên.
Pháp luật không cho phép người chưa đủ 6 tuổi tự mình xác lập và thực hiện các giao dịch dân sự mà sẽ hoàn toàn do bố, mẹ là người đại diện theo pháp luật của trẻ xác lập và thực hiện.
Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
Pháp luật cho phép lứa tuổi này được tự mình thực hiện những giao dịch mà không cần sự cho phép của người đại diện theo pháp luật, đó là những giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi. Những giao dịch còn lại, việc xác lập và thực hiện vẫn phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
Hotline Tư Vấn 24/7: 1900.966.993
Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
Theo quy định của Bộ luật lao động, những người ở độ tuổi này đã có thể tham gia lao động và có thu nhập. Như vậy họ có khả năng nhận thức và có thể có tài sản riêng, pháp luật cho phép họ tự mình thực hiện các giao dịch mà không cần có sự cho phép của người đại diện theo pháp luật, tuy nhiên trừ trường hợp giao dịch liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp người chưa thành niên không có người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo pháp luật không đủ điều kiện để đại diện thì người giám hộ sẽ thay thế người đại diện để thực hiện các quyền và nghĩa vụ được pháp luật quy định.
Như vậy những giao dịch dân sự do người chưa thành niên ký kết trái theo quy định trên là giao dịch dân sự vô hiệu theo quy định của Điều 125 BLDS 2015.
Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý, trừ những trường hợp giao dịch dân sự không bị vô hiệu:
- Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó;
- Giao dịch dân sự chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự với người đã xác lập, thực hiện giao dịch với họ;
- Giao dịch dân sự được người xác lập giao dịch thừa nhận hiệu lực sau khi đã thành niên hoặc sau khi khôi phục năng lực hành vi dân sự.
Để cập nhật thêm kiến thức về pháp luật vui lòng truy cập vào website luatdongduong.com.vn hoặc trao đổi trực tiếp với Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.966.993 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ.