Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn (Khoản 5 Điều 3 Luật HNGĐ năm 2014). Theo đó, pháp luật quy định khi đủ các điều kiện nhất định thì nam, nữ mới được kết hôn và được nhà nước công nhận là kết hôn hợp pháp. Việc thiếu hiểu biết về các điều kiện để có thể kết hôn hợp pháp có thể dẫn tới việc kết hôn trái pháp luật với hậu quả là bị hủy kết hôn trái pháp luật.

Điều 8 Luật HNGĐ năm 2014 quy định về điều kiện kết hôn. Theo đó, nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau:

Thứ nhất, điều kiện về tuổi: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên. Độ tuổi kết hôn không chỉ căn cứ vào khả năng sinh sản của nam, nữ mà còn đảm bảo cho việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững. Đồng thời đảm bảo cho con cái sinh ra được khỏe mạnh cả về thể lực lẫn trí tuệ.

Thứ hai, về ý chí: Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định. Sự tự nguyện ở đây được hiểu là hai bên nam, nữ mong muốn trở thành vợ chồng xuất phát từ ý chí của cả hai, tự mình quyết định việc kết hôn, không bị tác động bởi bất cứ người nào khiến họ phải kết hôn trái với nguyện vọng của họ. Đây là yếu tố quan trọng đảm bảo cho hôn nhân có thể tồn tại lâu dài và bền vững.

                             Hotline Tư Vấn 24/7: 1900.966.993

Thứ ba, về năng lực hành vi dân sự: Nam, nữ kết hôn với nhau không bị mất năng lực hành vi dân sự. Người bị mất năng lực hành vi dân sự là người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình. Điều kiện này đi kèm với điều kiện về lý trí, khi các bên tham gia đăng ký kết hôn mà bị mất năng lực hành vi dân sự thì sẽ không thể tự mình tham gia, không thể tự mình quyết định việc đăng ký kết hôn.

Thứ tư, việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn sau:

  • Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo.
  • Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn.
  • Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng vớingười khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.
  • Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

Về vấn đề hôn nhân đồng tính, pháp luật quy định Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính (Khoản 2 Điều 8 Luật HNGĐ).

Để cập nhật thêm kiến thức về pháp luật vui lòng truy cập vào trang luatdongduong.com.vn hoặc trao đổi trực tiếp với Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.966.993 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ.

Chuyên viên

Nguyễn Thu Quỳnh