Tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân (Khoản 1 Điều 4 Luật các TCTD 2010).

Theo quy định của pháp luật hiện hành, quan hệ cho vay giữa tổ chức tín dụng với khách hàng được xác lập và thực hiện thông qua công cụ pháp lí là hợp đồng tín dụng.

Trong thực tiễn, tùy thuộc vào sự đánh giá của các TCTD về khả năng trả nợ và mức độ uy tín của khách hàng đối với mình mà TCTD có thể lựa chọn giao kết những loại HĐTD sau:

  • HĐTD có bảo đảm bằng tài sản: Đây là sự thỏa thuận bằng văn bản, trong đó TCTD cam kết chuyển giao cho khách hàng vay sử dụng số tiền của mình trong thời hạn nhất định, với điều kiện có hoàn trả cả gốc và lãi trên cơ sở bảo đảm nghĩa vụ hoàn trả tiền vay bằng tài sản cầm cố, thế chấp của người vay hoặc sự bảo lãnh của người thứ ba.
  • HĐTD không có bảo đảm bằng tài sản: Nghiệp vụ này được các TCTD áp dụng đối với những khoản vay mà họ cho rằng người đi vay có đủ uy tín, có tình hình tài chính lành mạnh, có phương án sử dụng vốn khả thi và khả năng trả nợ chắc chắn.

Hình thức của HĐTD

Điều 23 Thông tư 39/2006 của Ngân hàng Nhà nước quy định thỏa thuận cho vay phải được lập thành văn bản. Sở dĩ như vậy bởi việc kí kết bằng văn bản sẽ tạo ra bằng chứng cụ thể cho việc thực hiện hợp đồng và giải quyết các tranh chấp phát sinh từ HĐTD. Ngoài ra sẽ tạo ra một sự công bố công khai, chính thức về mối quan hệ pháp lí giữa những người lập ước để cho người thứ ba biết rõ về việc lập ước đó mà có những phương cách xử sự hợp lí, an toàn trong trường hợp cần thiết. Mặt khác, việc kí kết bằng văn bản có thể khiến cho các cơ quan có trách nhiệm của chính quyền thi hành công vụ được tốt hơn. Văn bản HĐTD bao gồm văn bản viết và văn bản điện tử.

Nội dung của HĐTD

Bao gồm tổng thể những điều khoản do các bên có đủ tư cách chủ thể cam kết với nhau một cách tự nguyện, bình đẳng và phù hợp với pháp luật. Về lí thuyết, nội dung của HĐTD phải do các bên tự định đoạt trên nguyên tắc tự do ý chí và thống nhất ý chi, phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội. Tại Điều 23 về Thỏa thuận cho vay trong Thông tư 39/2016 của NHNN, nội dung của HĐTD bao gồm những điều khoản cơ bản như:

                             Hotline Tư Vấn 24/7: 1900.966.993

Điều khoản về chủ thể cho vay – khách hàng;

Điều khoản về đối tượng hợp đồng;

Điều khoản về thời hạn sử dụng vốn vay;

Điều khoản về mục đích sử dụng vốn vay;

Điều khoản về phương thức cho vay, việc trả nợ gốc, lãi tiền vay và thứ tự thu hồi nợ gốc, lãi tiền vay, trả nợ trước hạn;

Điều khoản về lãi suất cho vay, về chuyển nợ quá hạn  và một số nội dung khác như quyền và trách nhiệm của các bên, hiệu lực của hợp đồng…

Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia HĐTD

Bên cho vay: Với tư cách là bên cấp tín dụng đồng thời là chủ nợ trong quan hệ tín dụng bên cho vay có nghĩa vụ chuyển giao tiền vay đầy đủ, đúng thời hạn và địa điểm cho khách hàng vay sử dụng; nghĩa vụ kiểm tra, giám sát việc sử dụng tiền vay và trả nợ của khách hàng. Đồng thời có quyền yêu cầu bên vay hoàn trả tiền vay đúng thỏa thuận kể cả tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại (nếu có).

Bên vay: Với tư cách là người hưởng tín dụng, đồng thời là con nợ trong quan hệ tín dụng, bên vay có quyền từ chối các yêu cầu không hợp lí của tổ chức tín dụng khi kí kết, thực hiện và thanh lí HĐTD; quyền khiếu nại, khởi kiện việc từ chối cho vay không có căn cứ hoặc các vi phạm HĐTD của TCTD; quyền yêu cầu bên cho vay thực hiện nghĩa vụ giải ngân đúng thỏa thuận. Đồng thời có nghĩa vụ sử dụng tiền vay hiệu quả và đúng mục đích đã thỏa thuận trong HĐTD; nghĩa vụ hoàn trả tiền vay cả gốc và lãi, trả tiền phạt vi phạm hợp đồng.

Hiệu lực của hợp đồng 

Dựa trên các quy định chung về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự tại Điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015, HĐTD với tư cách là loại hình giao dịch dân sự đặc thù chỉ có hiệu lực khi thỏa mãn đầy đủ các điều kiện: Chủ thể tham gia HĐTD phải có đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự; Có sự đồng thuận ý chí giữa các bên cam kết trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng và tự do ý chí; Mục đích và nội dung của HĐTD không trái pháp luật và đạo đức xã hội; Việc kí kết hợp đồng phải theo hình thức mà pháp luật ngân hàng quy định.

Để cập nhật thêm kiến thức về pháp luật vui lòng truy cập vào trang luatdongduong.com.vn hoặc trao đổi trực tiếp với Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.966.993 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ.

Chuyên viên 

Nguyễn Thu Quỳnh