Quy định về mang thai hộ có gì đặc biệt đối với vấn đề thừa kế? Con sinh ra có được nhận thừa kế từ người mang thai hộ hay không?
Mang thai hộ là một quy định mới của pháp luật đã tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng hiếm muộn có quyền được làm cha, mẹ. Tuy nhiên, việc mang thai hộ đã gây ra nhiều tranh cãi trong xã hội về quyền và nghĩa vụ các bên. Một trong số đó là quyền thừa kế của đứa trẻ.
Vậy, con sinh ra bằng phương pháp mang thai hộ có được hưởng thừa kế của người mang thai hộ hay không? Để giải đáp thắc mắc này, Công ty Luật TNHH I&J xin giới thiệu bài viết sau đây:
Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là gì?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể tại Khoản 22 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 đã đưa ra khái niệm về “Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo” như sau:
“Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con”.
Như vậy, việc mang thai hộ có hai bên chủ thể tham gia gồm bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ. Cả hai bên chủ thể phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện và đáp ứng đủ các điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật.
Con sinh ra bằng mang thai hộ có được hưởng thừa kế của người mang thai hộ hay không?
Về nguyên tắc, theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, thừa kế theo pháp luật được thực hiện khi cha mẹ chết, con sẽ được hưởng phần di sản thừa kế. Và con phải được xác định theo đúng quy định của pháp luật, được pháp luật thừa nhận.
Hotline Tư Vấn 24/7: 1900.966.993
Còn theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình có quy định về xác định cha mẹ trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo tại Điều 94 như sau:
“Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra”.
Như vậy, con sinh ra mặc dù có thể đang trong thời kỳ hôn nhân nhưng theo thỏa thuận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và đủ các điều kiện nhất định quy định tại Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình thì đó là con của người nhờ mang thai hộ mà không phải của người mang thai hộ.
Xét về mặt bản chất, con sinh ra theo phương pháp mang thai hộ mang huyết thống của bên nhờ mang thai hộ. Vì điều kiện để nhờ mang thai hộ là dùng tinh trùng của người chồng và noãn của người vợ thụ tinh trong ống nghiệm tạo phôi sau đó mới cấy phôi vào tử cung của người mang thai hộ.
Do đó, người mang thai hộ chỉ là người nuôi dưỡng phôi, vì vậy, đứa trẻ sinh ra không mang huyết thống người mang thai hộ.
Như vậy, trẻ sinh ra bằng phương pháp mang thai hộ chỉ được hưởng thừa kế của cha mẹ mình (tức là người nhờ mang thai hộ) mà không được hưởng của người mang thai hộ. Trừ hai trường hợp sau đây:
Thứ nhất, người mang thai hộ nhận đứa trẻ sau khi sinh ra làm con nuôi theo đúng pháp luật, khi đó, đứa trẻ sẽ có quyền thừa kế đối với phần di sản người mang thai hộ để lại.
Thứ hai, trong di chúc của người mang thai hộ để lại có thể hiện ý chí cho trẻ sinh ra bằng phương pháp mang thai hộ thì quyền của đứa trẻ đó với phần di sản thừa kế sẽ được pháp luật bảo vệ.
Trên đây là nội dung tham khảo về vấn đề con sinh ra bằng mang thai hộ. Nếu có thắc mắc nào cần tư vấn xin liên hệ với các Luật sư của chúng tôi thông qua đường dây nóng 1900.966.993