Nội dung cần tư vấn:

Xin chào Luật sư! Tôi tên là Mai Văn K, tôi có một sự việc muốn Luật sư tư vấn cho tôi như sau:

Ngày 21/01/2020, vào khoảng 21h, tôi đang đi trên Quốc lộ 1A đoạn gần thành phố Phủ Lý tỉnh Hà Nam thì bị hai thanh niên tên là Nguyễn Văn T và Đào Trung D đi xe Wave chặn đầu xe khiến tôi bị ngã bị thương sây sát ở đầu gối và cánh tay. Sau đó, T và D xuống xe, dùng dao uy hiếp tôi nhằm để cướp xe máy và túi xách của tôi. Trong lúc hai bên giằng co, tôi đã cầm được nửa viên gạch đập vào đầu T khiến cho T khâu 4 mũi ở đỉnh đầu. Sau đó, T và D lao vào đánh tôi.

Xin hỏi Luật sư, trong trường hợp này, hành vi của tôi có được coi là phòng vệ chính đáng không? Vì sao?

Cảm ơn luật sư.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật I&J. Với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Trường hợp phòng về chính đáng được quy định cụ thể tại Điều 22 Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 như sau:

“1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

 Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.”

Hotline Tư Vấn 24/7: 1900.966.993

Vì vậy, theo quy định trên, khi xem xét một hành vi được coi là phòng vệ chính đáng hay không cần phải có đầy đủ các yếu tố sau:

  • Một là về phía nạn nhân:

Nạn nhân là người đang có hành vi xâm hại đến các lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức, của chính bản thân người phòng vệ hay của người khác (người thứ 3). Hành vi xâm phạm của người có hành vi xâm phạm là hành vi có tính chất nguy hiểm đáng kể. Mức độ nguy hiểm đáng kể này còn tùy thuộc vào tính chất quan trọng của quan hệ xã hội bị xâm phạm. Nếu tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi xâm phạm không đáng kể thì hành vi chống trả không được coi là phòng vệ. Hành vi xâm phạm phải là hành vi trái pháp luật, nếu hành vi xâm phạm là hành vi mà pháp luật cho phép thì người bị xâm phạm không có quyền chống trả để phòng vệ. Trong tình huống của bạn, T và D sau khi chặn đầu xe khiến bạn bị ngã vẫn tiếp tục dùng dao đe dọa tính mạng, sức khỏe của bạn.

  • Hai là về phía người phòng vệ:

Nếu thiệt hại do người có hành vi xâm phạm gây ra có thể là thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hay tài sản, nhân phẩm, danh dự, các lợi ích xã hội khác thì thiệt hại do người phòng vệ chỉ có thể là tính mạng hoặc sức khỏe của người có hành vi xâm phạm.

Nếu người phòng vệ không gây thiệt hại cho chính người có hành vi xâm phạm mà gây thiệt hại cho người khác (thường là người thân của người có hành vi xâm phạm) thì không được coi là hành vi phòng vệ. Trường hợp người phòng vệ không gây thiệt hại về tính mạng hoặc sức khỏe của người có hành vi xâm phạm mà gây ra thiệt hại khác của người có hành vi xâm phạm thì cũng không được coi là hành vi phòng vệ.

Ngoài ra, trường hợp người có hành vi xâm phạm gây ra thiệt hại về tài sản của người khác, sau đó một người khác lại gây ra thiệt hại tài sản của người có hành vi xâm phạm thì cũng không được xem là hành vi phòng vệ. Do đó, trong tình huống của bạn, Tvà D là người đã gây ra tổn hại về sức khỏe cho bạn trước sau đó bạn cũng gây tổn hại về sức khỏe đối với T.

  • Ba là hành vi chống trả phải là cần thiết:

Cần thiết trong trường hợp phòng vệ chính đáng thể hiện tính không thể không chống trả trước một hành vi xâm phạm đến lợi ích hợp pháp được pháp luật bảo vệ. Để xác định sự chống trả có cần thiết trong phòng vệ hay không thì phải căn cứ vào tính chất của quan hệ xã hội bị xâm phạm; mức độ thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra; tính chất và mức độ nguy hiểm của phương tiện hay công cụ mà người có hành vi xâm phạm sử dụng. Bên cạnh đó, còn phải căn cứ vào nhiều yếu tố khác như: mối tương quan lực lượng giữa hai bên, thời gian, không gian, địa điểm,… Khi đã xác định được sự chống trả là cần thiết thì dù thiệt hại gây ra cho người có hành vi xâm phạm lớn hơn so với thiệt hại mà người có hành vi xâm phạm gây ra cho người có hành vi phòng vệ thì vẫn được xem là hành vi phòng vệ chính đáng. Mặc dù trong tình huống của bạn, bạn đã gây thương tích cho T lớn hơn mức thương tích bạn phải chịu nhưng đây là điều cần thiết để bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản đang bị đe dọa của mình.

Như vậy, trong trường hợp này, T và D là người cố ý chặn đầu xe và dùng dao uy hiếp bạn với mục đích cướp tài sản. Hành vi chống trả của bạn là cần thiết và có quyền phòng vệ chính đáng nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản. Tuy nhiên, hành vi của bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Trong trường hợp của bạn để xác định  có phải là phòng vệ chính đáng hay là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì cần phải xem xét đến phương tiện, công cụ, hậu quả mà hai bên gây ra cũng như mức độ của hành vi xâm phạm và khả năng của người phòng vệ. Nếu vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng mà gây thương tích thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng được quy định cụ thể tại Điều 136 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 như sau:

“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

         …”

Thông qua quy định cụ thể Khoản 1 Điều 136 trên, mức thương tật để phân biệt giữa phòng vệ chính đáng và vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là 31%. Do đó, để biết chính xác trường hợp của bạn là phòng vệ chính đáng hay không cần phải giám định mức độ thương tích, khi đó mới đưa ra kết luận chính xác được.

Trên đây là ý kiến tư vấn tham khảo của chúng tôi cung cấp dựa trên những thông tin của bạn đã gửi. Nội dung bài tư vấn giải, đáp thắc mắc về pháp luật hình sự mà Công ty chúng tôi cung cấp, Qúy bạn đọc chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Vì tại thời điểm Qúy bạn đọc bài viết này các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực hoặc đã đã được sửa đổi, bổ sung, các thông tin trong tình huống là cá biệt.. Vì vậy, để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Qúy bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư của Công ty Luật I&J thông qua đường dây nóng 1900.966.993