Luật Hôn nhân và Gia đình (HNVGĐ) là một ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam, được tạo thành bởi nhiều chế định khác nhau như chế định kết hôn, chế định ly hôn… nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực nhân thân, quan hệ tài sản giữa vợ chồng, giữa cha mẹ với con cái… Nếu như kết hôn là khởi đầu để xác lập nên quan hệ vợ chồng thì ly hôn có thể coi là điểm cuối của hôn nhân khi quan hệ này thực sự tan rã. Khi đời sống hôn nhân không thể duy trì được nữa thì ly hôn là một giải pháp cần thiết cho cả đôi bên vợ chồng cũng như cho xã hội. Ly hôn giải phóng cho các cặp vợ chồng và những thành viên trong gia đình thoát khỏi xung đột, mâu thuẫn bế tắc trong cuộc sống. Thực tiễn cho thấy số lượng vụ án ly hôn đang xảy ra rất nhiều và có xu hướng tăng dần đều, trong đó có nhiều vụ án chưa được xử lý, giải quyết thỏa đáng, chưa đúng với quy định của pháp luật hiện hành về các chế định ly hôn. Bằng các quy định của Luật HNVGĐ 2014, Nhà nước cũng hướng tới bảo vệ lợi ích gia đình, của xã hội khi xác định các điều kiện cho phép chấm dứt quan hệ hôn nhân trước pháp luật, gọi chung là chế định ly hôn.
Theo quy định tại khoản 14 điều 3 Luật HNVGĐ 2014 thì “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”.
Căn cứ pháp lý về quyền ly hôn
Căn cứ Điều 39 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền ly hôn của vợ chồng, theo đó
“1. Cá nhân có quyền kết hôn, ly hôn, quyền bình đẳng của vợ chồng, quyền xác định cha, mẹ, con, quyền được nhận làm con nuôi, quyền nuôi con nuôi và các quyền nhân thân khác trong quan hệ hôn nhân, quan hệ cha mẹ và con và quan hệ giữa các thành viên gia đình.
Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha, mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha, mẹ của mình.
2. Cá nhân thực hiện quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình theo quy định của Bộ luật này, Luật hôn nhân và gia đình và luật khác có liên quan“.
Căn cứ điều 51 Luật HNVGĐ 2014, theo đó
“1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi“.
Các trường hợp ly hôn
Trường hợp thuận tình ly hôn: Theo quy định tại điều 55 luật HNVGĐ, trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.
Trường hợp ly hôn theo yêu cầu của một bên vợ hoặc chồng (đơn phương ly hôn):
- Theo quy định tại điều 56 Luật HNVGĐ 2014 về Ly hôn theo yêu cầu của một bên. Theo quy định này, pháp luật cho phép vợ hoặc chồng đơn phương ly hôn. Tuy nhiên, nếu như thuận tình ly hôn thì Tòa án xem xét sự thuận tình, tự nguyện của các bên, còn đơn phương ly hôn thì Tòa án lại xem xét chủ yếu căn cứ mà bên đơn phương ly hôn đưa ra.
- Điều 8 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP hướng dẫn một số nội dung Luật hôn nhân và gia đình 2000 đã đưa ra hướng dẫn khá chi tiết về vấn đề này. Tuy quy định này đã hết hiệu lực thi hành nhưng vẫn được sử dụng với tính chất định hướng trong thực tiễn xét xử. Theo đó, dựa trên hướng dẫn này kết hợp với các chứng cứ mà các bên cung cấp, Hội đồng xét xử sẽ phải nhận định và đánh giá mức độ trầm trọng của hôn nhân làm cơ sở ly hôn theo yêu cầu của các bên.
Hotline Tư Vấn 24/7: 1900.966.993
Thủ tục tố tụng dân sự khi giải quyết ly hôn
Theo quy định của BLTTDS 2015:
- Thụ lí đơn khởi kiện. Theo quy định tại điều 191 và điều 195 BLTTDS 2015 thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 3 điều 191 BLTTDS 2015. Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí. Tòa án ra quyết định thụ lý đơn khởi kiện từ thời điểm người khởi kiện nộp biên lai đã nộp tiền tạm ứng án phí.
- Hòa giải và chuẩn bị xét xử. Theo quy định tại điều 54 Luật HNVGĐ 2014 thì hòa giải tại Tòa án là thủ tục bắt buộc trước khi đưa vụ án ra xét xử. Tòa án tiến hành hòa giải nếu vụ án không thuộc các trường hợp vụ án không tiến hành hòa giải được quy định tại 207 BL TTDS
- Trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về toàn bộ các vấn đề yêu cầu giải quyết trong vụ án thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành. Biên bản này được gửi ngay cho các đương sự tham gia hòa giải (khoản 5 điều 211 BL TTDS). Hết thời hạn 7 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi về ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Tòa án ra quyết định Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự và quyết định này có hiệu lực ngay sau khi ban hành và không bị kháng cáo kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm (khoản 1 điều 212 BL TTDS)
- Trong giai đoạn Hòa giải chuẩn bị xét xử, Tòa án cũng có thể ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án nếu có các căn cứ quy định tại điều 217 BLTTDS. Thời hạn kháng cáo của quyết định đình chỉ của cấp sơ thẩm là 07 ngày, kể từ ngày đương sự nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết theo quy định BL TTDS (khoản 2 điều 273 BL TTDS)
- Trường hợp vụ án hòa giải không thành, Tòa án quyết định đưa vụ án ra xét xử, quyết định đưa vụ án ra xét xử phải được gửi cho các đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định (khoản 2 điều 220 BL TTDS)
- Phiên tòa sơ thẩm: Phiên tòa sơ thẩm được quy định cụ thể từ điều 222 đến 269 BLTTDS. Bản án của Tòa án cấp sơ thẩm có thời hạn kháng cáo là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Trường hợp đương sự không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết (khoản 1 điều 273 BLTTDS). Tại phiên tòa, trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và thỏa thuận của họ là tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội thì Hội đồng xét xử ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về việc giải quyết vụ án (khoản 1 điều 246 BLTTDS). Trường hợp có đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu đương sự đã rút (khoản 2 điều 244 BLTTDS).
Thời điểm có hiệu lực của việc ly hôn
- Thời điểm có hiệu lực của việc ly hôn là thời điểm có hiệu lực của bản án hoặc quyết định công nhận thuận tình ly hôn và các thỏa thuận của đương sự. Bản án hoặc quyết định trên thiết lập một tình trạng pháp lý mới không tồn tại trước đó cũng như thiết lập các quyền mới của bên này hoặc bên kia. Tình trạng và các quyền đó phải được tôn trọng không chỉ bởi vợ và chồng trước đây mà cả bởi người thứ ba.
- Theo đó, quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực ngay khi ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Sau khi hết thời hạn kháng cáo của các đương sự và hết thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát mà không có kháng cáo hoặc kháng nghị thì bản án ly hôn sơ thẩm sẽ có hiệu lực pháp luật. Căn cứ vào khoản 1 điều 273 và điều 280 BLTTDS 2015 thì thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Trường hợp đương sự không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết. Đối với kháng nghị, thời hạn kháng nghị với bản án sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày còn đối với Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 01 tháng kể từ ngày tuyên án. Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án.
Để cập nhật thêm những thông tin nổi bật và hữu ích, vui lòng truy cập website của chúng tôi tại Luatdongduong.com.vn hoặc Hotline Tư vấn: 1900.966.993
Chuyên viên,
Đỗ Trọng Đạt