Chống người thi hành công vụ là hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Vậy, cấu thành tội phạm và hình phạt của tội này được quy định như thế nào?
-
Cơ sở pháp lý:
- Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 (BLHS);
- Nghị định 208/2013/NĐ-CP.
-
Chống người thi hành công vụ là gì?
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 208/2013/NĐ-CP thì:
Người thi hành công vụ là những người được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giao nhiệm vụ, quyền hạn nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân.
Người thi hành công vụ bao gồm:
- Cán bộ, công chức, viên chức;
- Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân.
Theo quy định tại Điều 330 BLHS và khoản 2 Điều 3 Nghị định 208/2013/NĐ-CP thì:
Chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác để:
- Cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ;
- Ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật.
-
Cấu thành tội phạm tội chống người thi hành công vụ
Mặt chủ thể: Chủ thể là bất kỳ người nào có đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
Mặt khách thể: Hành vi nêu trên xâm phạm đến hoạt động bình thường, đúng đắn của:
- Các cơ quan quản lý Nhà nước;
- Cán bộ, công chức;
- Những người được giao nhiệm vụ, công vụ.
Hotline Tư Vấn 24/7: 1900.966.993
Mặt khách quan:
- Các hành vi chống người thi hành công vụ: Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác cưỡng ép người thi hành công vụ:
+ Thực hiện những hành vi trái pháp luật;
+ Không cho họ thực thi chức trách, nhiệm vụ của mình.
- Dùng vũ lực là sự tác động bằng sức mạnh vật chất lên thân thể người đang thi hành công vụ như trói, đấm, đá gây thương tích, bắt nhốt,…
- Đe dọa dùng vũ lực là dọa sẽ dùng sức mạnh vật chất để chống lại nếu người thi hành công vụ tiếp tục thực thi nhiệm vụ của mình.
- Các thủ đoạn có thể là hành vi đe dọa sẽ công bố những tin tức, tài liệu bất lợi,… cho người thi hành công vụ hoặc cho người thân thích của họ.
- Hậu quả: Hậu quả xảy ra không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm của tội này.
Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.
-
Hình phạt đối với tội chống người thi hành công vụ
Theo Điều 330 BLHS thì mức hình phạt của tội phạm này được chia thành 2 khung, cụ thể như sau:
Khung hình phạt thứ nhất: Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm nếu:
“Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật…”.
Khung hình phạt thứ hai: Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm nếu:
- Có tổ chức;
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;
- Gây thiệt hại về tài sản 50 triệu đồng trở lên;
- Tái phạm nguy hiểm.
Như vậy, người nào có hành vi chống người thi hành công vụ thì có thể bị phạt tù đến 07 năm.
Trên đây là bài viết về “Cấu thành tội phạm và hình phạt tội chống người thi hành công vụ”.
Để biết thêm kiến thức pháp luật, vui lòng truy cập website luatdongduong.com.vn. Hoặc liên hệ với chúng tôi qua tổng đài 1900.966.990 để được tư vấn, hỗ trợ trực tuyến.
Trân trọng.