Hiện nay, hành vi lừa dối khách hàng diễn ra khá phổ biến. Vậy, hành vi lừa dối khách hàng được quy định như thế nào trong Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 (BLHS)?

Để hiểu được quy định của BLHS về tội lừa dối khách hàng trước hết cần phải hiểu được hành vi lừa dối khách hàng là gì?

Hành vi lừa dối khách hàng được hiểu một cách đơn giản là:

Người phạm tội đã thực hiện một trong các hành vi như: cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc có những hành vi khác lừa dối khách hàng nhằm thu lợi bất chính.

  1. Quy định của BLHS về tội lừa dối khách hàng

Theo BLHS thì hành vi lừa dối khách hàng được quy định cụ thể tại Điều 198 như sau:

Bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

  • Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
  • Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

Bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

  • Có tổ chức;
  • Có tính chất chuyên nghiệp;
  • Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
  • Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

Ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

  1. Phân tích tội danh

a) Chủ thể

Chủ thể của tội lừa dối khách hàng là người có năng lực trách nhiệm hình sự, từ đủ 16 tuổi trở lên.

Chủ thể của tội này không phải ai cũng có thể là chủ thể tội phạm. Chỉ những người tham gia vào quan hệ mua bán, cung ứng dịch vụ mới có thể trở thành chủ thể của tội này. Chẳng hạn:

  • Nhân viên bán hàng;
  • Các kỹ thuật viên làm dịch vụ sửa chữa;
  • Người bán hàng, kinh doanh tự do…
b) Khách thể

Hành vi lừa dối khách hàng đã xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế. Cụ thể là trật tự trong việc mua bán, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Hotline Tư Vấn 24/7: 1900.966.993

Đối tượng tác động của tội phạm này là tiền, hàng hoá, vật phẩm được đưa vào quá trình mua bán trao đổi.

c) Mặt chủ quan

Lỗi trong tội lừa dối khách hàng là lỗi cố ý, có thể là cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp.

Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, biết rõ hành vi của mình gây nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn thực hiện.

Mục đích của người phạm tội nhằm thu lợi bất chính.

d) Mặt khách quan

Hành vi khách quan của tội lừa dối khách hàng là những hành vi gian dối trong quan hệ bán hàng, cung ứng dịch vụ.

Những hành vi gian dối đó là: cân, đong, đo, đếm sai; cố ý tính tiền sai cho khách hàng. Ngoài ra, còn có những hành vi dùng thủ đoạn gian dối khác như:

  • Hàng chất lượng kém nhưng bán theo giá hàng chất lượng tốt;
  • Cố tình thay thế phụ tùng có giá trị thấp…làm cho khách hàng phải thanh toán số lượng tiền nhiều hơn giá trị hàng hóa, dịch vụ thực tế.

Đây là quy định về hành vi để tránh bỏ lọt tội phạm.

Tội phạm được hoàn thành nếu gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

  1. Khung hình phạt

Điều 198 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định có 02 khung hình phạt chính và 01 khung hình phạt bổ sung với tội danh lừa dối khách hàng.

Đối với khung hình phạt chính:

  • Khung hình phạt cơ bản: phạt cảnh cáo, phạt tiền hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
  • Khung hình phạt tăng nặng với mức phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Đối với khung hình phạt bổ sung thì: phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Mọi vấn đề thắc mắc liên hệ tới tổng đài tư vấn pháp luật 1900.966.993 để được Luật sư phụ trách hỗ trợ giải đáp.